Nghệ An có hơn 250.000ha đất nông nghiệp (trong đó có hơn 192.000ha đất trồng cây hàng năm và gần 60.000ha đất trồng cây lâu năm), phân bố trên nhiều vùng sinh thái với các yếu tố thổ nhưỡng, chế độ nước, tiểu khí hậu khác biệt, hình thành nên một nền sản xuất nông nghiệp với hệ thống cây trồng phong phú. Đặc điểm này thường được xem là một khó khăn, phức tạp trong việc đầu tư phát triển sản xuất ngành trồng trọt nhưng cũng là một lợi thế của nông nghiệp tỉnh ta khi hàng năm cho thu hoạch một khối lượng nông sản lớn, phong phú về chủng loại, không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong tỉnh, mà còn đồng thời xuất bán ra các địa phương trong và ngoài nước, mang lại nguồn thu nhập cao. Bài viết phân tích thực trạng sản xuất, tiêu thụ nông sản hàng hóa ở Nghệ An từ đó đề xuất phương hướng, mục tiêu và giải pháp phát triển.
I. Một số kết quả sản xuất nông sản hàng hóa của tỉnh giai đoạn 2006-2011
1. Cây lúa
Diện tích lúa trong những năm qua ổn định trên dưới 183.000ha/năm, cụ thể vụ xuân đạt 86.000-86.000ha, vụ hè thu đạt 55.000-56.000ha, trong đó có 12.000-15.000ha lúa rẫy. Năng suất năm thấp nhất (năm 2007) đạt 46,73 tạ/ha, năm cao nhất (năm 2011) đạt 50,83 tạ/ha. Trong đó, vụ xuân là vụ có năng suất cao và ổn định nhất, năng suất liên tục đạt trên 60 tạ/ha, vụ xuân năm 2010 và năm 2011 đạt trên 65 tạ/ha, các huyện Yên Thành, Diễn Châu đạt trên 70 tạ/ha.
Với năng suất đó, sản lượng thóc mỗi năm đạt trên dưới 900.000 tấn, sau khi cân đối lương thực cho hơn 2 triệu người thuộc khu vực nông nghiệp khoảng 500.000 tấn, sản lượng còn lại hơn 400.000 tấn sẽ làm thóc gạo hàng hóa. Hiện nay, lượng thóc hàng hóa này chủ yếu vẫn chỉ phục vụ cho gần 1 triệu người thuộc khu vực phi nông nghiệp trong tỉnh. Tuy nhiên, việc tổ chức thu mua thóc để chế biến gạo nhằm tăng giá trị lúa gạo hàng hóa còn nhỏ lẻ, tự phát. Cả tỉnh chỉ có Công ty TNHH Vĩnh Hòa (Yên Thành) chế biến nhưng chỉ tiêu thụ được 5.000-7.000 tấn gạo/năm (từ lúa chất lượng AC5), số còn lại chủ yếu do người dân tự xay xát bán lẻ ở các chợ với giá thấp.
2. Cây ngô
Nếu như ở năm 1996, toàn tỉnh có diện tích ngô là 27.902ha với năng suất 18,2 tạ/ha thì sau 10 năm, năm 2006 diện tích ngô tăng đến 67.129ha với năng suất 34,64 tạ/ha. Từ năm 2006 đến nay, diện tích ngô có xu thế giảm dần nhưng năng suất vẫn tăng đều qua các năm và đạt diện tích 57.921ha với năng suất 37,08 tạ/ha vào năm 2011 (tăng gấp 2 lần so với năm 2006). Theo đó, mỗi năm toàn tỉnh có thể sản xuất được 210.000-220.000 tấn ngô hạt. Hiện nay, ngô không còn làm lương thực cho con người (hoặc làm rất ít), sản phẩm ngô hạt sản xuất ra một phần để làm thức ăn cho chăn nuôi ở các hộ gia đình, số còn lại nông dân tiêu thụ qua thu mua của các tư thương.
3. Cây lạc
Năm 1996, diện tích lạc toàn tỉnh là 26.349ha, năng suất 10,8 tạ/ha. Đến năm 2006, diện tích lạc giảm xuống còn 23.324ha. Tuy nhiên năng suất tăng dần và đạt 19,76 tạ/ha. Từ năm 2006 đến nay, diện tích lạc tiếp tục giảm nhưng năng suất lạc vẫn tiếp tục tăng và năng suất trung bình giai đoạn này đạt gần gấp đôi so với thời điểm năm 1996. Hiện nay, sản lượng lạc mỗi năm có khoảng trên 40.000 tấn, trong đó làm giống khoảng trên 4.000 tấn. Một lượng không lớn được dùng để phục vụ công tác chế biến thực phẩm, làm bánh kẹo, số còn lại người trồng lạc chủ yếu tiêu thụ qua tư thương.
4. Cây vừng
Ở giai đoạn 1996-2005, cây vừng phát triển khá. Các năm 2000 và 2001, diện tích vừng lên đến khoảng 10.000 ha/năm, năng suất đạt trên 6 tạ/ha, nhưng đến năm 2006 diện tích giảm xuống chỉ còn 6.000ha với năng suất 5,3 tạ/ha. Cây vừng chủ yếu được sản xuất vào vụ hè thu (sau cây lạc xuân trong công thức luân canh 3 vụ: lạc xuân- vừng hè thu- cây vụ đông), tập trung phát triển ở huyện Nghi Lộc, Diễn Châu và một ít ở Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, thị xã Cửa Lò. Vừng chủ yếu được sản xuất để làm nông sản hàng hóa nhưng tình hình tiêu thụ lại rất không ổn định nên diện tích sụt giảm dần. Năng suất vừng giảm do chưa có giống vừng năng suất cao, vụ hè thu những năm gần đây thường gặp điều kiện thời tiết bất thuận như nắng hạn kéo dài, mưa lụt gây ngập úng ở thời kỳ thu hoạch. Sản phẩm vừng chủ yếu tiêu thụ qua tư thương.
5. Cây sắn
Nếu như trong năm 2006, diện tích sắn toàn tỉnh có 15.233ha, trong đó diện tích sắn nguyên liệu là 5.311ha thì đến năm 2011, diện tích sắn đã tăng lên 20.982ha, trong đó diện tích sắn nguyên liệu là 7.316ha (vượt kế hoạch phát triển 4.000ha sắn nguyên liệu giai đoạn 2006-2011).
Vào năm 2011, năng suất trung bình cây sắn đạt 215,43 tạ/ha, cho sản lượng 452.015 tấn, tập trung chủ yếu ở các huyện vùng nguyên liệu của 2 nhà máy chế biến ở Thanh Chương, Yên Thành, Tân Kỳ và Nghĩa Đàn, còn lại là các giống sắn địa phương được trồng rải rác khắp các huyện miền núi như: Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu... Hiện nay, để phục vụ phát triển vùng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến sắn, một số giống sắn có năng suất cao như: KM94, HN124, TC11... đã được áp dụng cho kết quả tốt, năng suất cao.
6. Cây mía
Sản xuất mía đường của Nghệ An trong giai đoạn 1996-2005 đã có bước phát triển tích cực, góp phần quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt trong vai trò xóa đói giảm nghèo. Vùng nguyên liệu mía chủ yếu tập trung ở các huyện Anh Sơn, Tân Kỳ, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Quỳ Châu... đáp ứng được cơ bản yêu cầu về nguyên liệu cho các nhà máy mía đường hoạt động. Bước sang giai đoạn 2006-2011, diện tích và năng suất mía đường không tăng, vùng nguyên liệu mía luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là dịch hại. Năm 2008, bệnh chồi cỏ mía xuất hiện đã gây ảnh hưởng rất lớn đến diện tích và năng suất của vùng mía nguyên liệu. Trong 2 năm 2006-2007, diện tích mía tăng từ 26.658ha lên 30.281ha nhưng lại bắt đầu sụt giảm mạnh vào năm 2008. Từ năm 2008-2010, diện tích mía giảm từ 29.854ha xuống còn 23.313ha, năng suất giảm từ 575 tạ/ha xuống còn 534 tạ/ha. Năm 2011, diện tích mía toàn vùng chỉ đạt 23.313ha, năng suất 555 tạ/ha, sản lượng đạt 1.293.335 tấn. Đến cuối năm 2011, toàn tỉnh đã có hơn 8.000ha mía nguyên liệu bị nhiễm chồi cỏ, nguy cơ tiếp tục sụt giảm diện tích trong năm tiếp theo.
Hiện nay, toàn tỉnh đang có 3 công ty mía đường hoạt động. Trong đó vùng nguyên liệu của Công ty Mía đường Sông Lam (huyện Anh Sơn) có 1.541ha; Công ty Mía đường Sông Con (huyện Tân Kỳ) có 4.690ha; Công ty Mía đường Nghệ An Tate&Lyle (huyện Quỳ Hợp) có gần 15.400ha. Sản lượng toàn vùng cả năm chỉ đạt gần 1.300.000 tấn và đang có nguy cơ tiếp tục giảm sẽ ảnh hưởng đến công suất hoạt động của các nhà máy do thiếu hụt về nguyên liệu. Tuy vậy, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương và các nhà máy mía đường đã tích cực đầu tư cho công tác giống, công tác kỹ thuật, nhờ đó diện tích, sản lượng mía đang dần được phục hồi.
7. Cây cam
Nghệ An từng là một trong những vùng cam lớn của cả nước. Do điều kiện khí hậu, đất đai khá phù hợp nên cây cam cho năng suất cao, phẩm chất tốt như vùng cam Xã Đoài, vùng Phủ Quỳ, Bãi Phủ, Con Cuông. Cây cam thực sự là cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, là cây làm giàu cho người sản xuất nhưng luôn phải trải qua các giai đoạn biến động nên đến nay diện tích, năng suất, sản lượng vẫn chưa đi vào ổn định.
Trước những năm 1996, cây cam có năng suất và sản lượng đạt khá và chất lượng tốt. Giai đoạn 1996-2001, sản lượng bắt đầu giảm, chất lượng kém do nhiễm các loại sâu bệnh hại, đặc biệt là bệnh Greening. Từ năm 2006-2011, với nhiều nguyên nhân khác nhau, diện tích cam hàng hóa có xu hướng sụt giảm, đạt thấp nhất vào năm 2010 là 2.200ha. Tuy vậy, với việc thay đổi cơ cấu giống (Valencia, Valencia2...) và áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác, khống chế tốt bệnh Geening nên năng suất tăng lên đáng kể. Năm 2006 năng suất chỉ đạt 114 tạ/ha, đến năm 2010 năng suất tăng lên được 120 tạ/ha.
Với diện tích cho sản phẩm hàng năm trên dưới 2.000ha, mỗi năm sản lượng cam đạt trên 20.000 tấn nhưng chỉ tập trung thu hoạch chính vụ vào tháng 9, tháng 10 đã gây không ít khó khăn cho công tác tiêu thụ sản phẩm. Lượng cam tươi sản xuất ra hàng năm đều do tư thương thu gom tiêu thụ tự do trên thị trường, chưa có sự liên kết giữa người sản xuất với các công ty, doanh nghiệp thu mua, do đó cam tươi bị ép cấp, ép giá, gây thiệt hại kinh tế cho người dân.
8. Cây dứa
Năm 2003, Nhà máy Dứa cô đặc Xuất khẩu Nghệ An với công suất 5.000 tấn sản phẩm nước dứa cô đặc/năm tại xã Quỳnh Châu, huyện Quỳnh Lưu đi vào hoạt động đã thúc đẩy mạnh mẽ diện tích dứa nguyên liệu (dứa Cayen). Tính đến cuối năm 2004, diện tích dứa toàn vùng nguyên liệu đạt 1.435,45ha, năng suất bình quân đạt 240 tạ/ha, chủ yếu tập trung ở các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Nghĩa Đàn.... Năm 2004-2005, vùng nguyên liệu phát triển mạnh nhưng không rải vụ thu hoạch sản phẩm đều trong năm (chính vụ tháng 5-7) đã dẫn tới một khối lượng rất lớn dứa nguyên liệu bị dư thừa, gây thiệt hại lớn tới kinh tế, niềm tin của người sản xuất.
Giai đoạn 2006-2011, sau những khó khăn, diện tích dứa nguyên liệu sụt giảm dần do đầu ra không ổn định. Năm 2006, diện tích dứa toàn vùng nguyên liệu đạt 2.680ha, trong đó có 1.752ha cho sản phẩm. Đến năm 2011, diện tích toàn vùng chỉ còn 1.131 ha, trong đó có 729ha cho sản phẩm. Diện tích sụt giảm nhưng năng suất dứa tăng từ 186 tạ/ha lên đến 233 tạ/ha do người dân tập trung đầu tư các tiến bộ kỹ thuật như cơ cấu giống dứa mới, phủ nilon, phương pháp xử lý ra hoa mới...
Từ năm 2008 đến nay, giữa nông dân và nhà máy không thực hiện hợp đồng đầu tư sản xuất và thu mua sản phẩm, một số hộ ký kết hợp đồng nhưng không chặt chẽ về giá cả nên việc thu mua rất tùy tiện. Hiện nay đầu ra của dứa quả chủ yếu bán nhập cho tư thương, một số rất ít được bán cho nhà máy. Tuy vậy, chính quyền và người dân vùng nguyên liệu vẫn luôn xác định cây dứa là cây trồng quan trọng của địa phương.
9. Cây chè
Ở Nghệ An, cây chè được trồng tập trung ở 6 huyện miền núi: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Quỳ Hợp, Quế Phong, Kỳ Sơn. Qua nhiều năm phát triển, cây chè được khẳng định là cây trồng phù hợp với đất đai, khí hậu trong vùng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, phát triển bền vững, có thị trường tiêu thụ ổn định.
Từ năm 2001 đến nay, cơ cấu giống chè đã được thay đổi, giống LBP1, LBP2 được sử dụng rộng rãi đã cho hiệu quả cao. Một số giống mới như chè Shan được trồng ở vùng núi cao cũng đang cho kết quả tốt. Năm 2006, diện tích chè toàn tỉnh là 6.178ha, trong đó diện tích cho sản phẩm là 4.265ha, năng suất bình quân là 75 tạ/ha. Từ đó đến nay, diện tích và năng suất tăng đều, diện tích đạt cao nhất vào năm 2010 là 7.851ha, năng suất đạt cao nhất vào năm 2011 là 108 tạ/ha. Năm 2011, diện tích giảm mạnh so với năm 2010 chủ yếu vì nhiều diện tích chè già cỗi bị phá bỏ để trồng lại, diện tích trồng lại bị hạn chế do số lượng giống cung ứng cho người sản xuất không đủ theo kế hoạch. Tuy vậy, năng suất cao đã giúp ổn định sản lượng cung cấp cho các nhà máy chế biến.
Tính đến cuối năm 2011, toàn tỉnh có 98 dây chuyền chế biến với tổng công suất thiết kế lên đến 425 tấn/ngày, thực tế sản lượng chế biến đạt 410 tấn/ngày. Sản phẩm chế biến chè chủ yếu là chè xanh, chè đen và những sản phẩm này chủ yếu được xuất khẩu qua các nước Pakitstan, Nga, Ba Lan, Trung Quốc, Phần Lan... Nhu cầu chè của thị trường thế giới rất lớn, lên đến 1,5 triệu tấn mỗi năm. Đây chính là cơ hội để thúc đẩy cây chè hàng hóa của Nghệ An phát triển, đặc biệt là các sản phẩm chè chất lượng cao.
10. Cây cao su
Năm 2005, diện tích cao su toàn tỉnh có 3.443ha, trong đó diện tích kiến thiết cơ bản là 1.340ha, diện tích kinh doanh là 2.103ha, đạt 86% mục tiêu quy hoạch (quy hoạch 4.000ha). Đây chủ yếu là diện tích cao su được trồng từ năm 1993 để lại. Đến năm 2007, diện tích cao su là 4.663ha, trong đó diện tích kinh doanh là 2.391ha, năng suất mủ tươi đạt 39 tạ/ha, sản lượng mủ đạt 9.362 tấn (2.162 tấn mủ khô). Năm 2008, diện tích cao su là 5.678ha, trong đó diện tích kinh doanh là 2.820ha, sản lượng mủ khô đạt 3.125 tấn. Diện tích cao su chủ yếu phân bố trên 4 huyện Nghĩa Đàn, thị xã Thái Hòa, Tân Kỳ, Quỳ Hợp là những huyện có nền đất đỏ rất thích hợp cho cây cao su phát triển đạt năng suất cao.
Do quy hoạch đất đai phục vụ cho các loại cây trồng khác mà diện tích cao su đến năm 2011 mới chỉ đạt 6.629ha, diện tích cho thu hoạch tăng từ 2.477ha lên 3.375ha nên sản lượng vẫn ở mức cao nhất trong 6 năm qua là 4.329 tấn, sản phẩm chủ yếu xuất bán qua đường tiểu ngạch.
11. Cây cà phê
Năm 2000, toàn tỉnh có 2.844ha cây cà phê, cao nhất từ trước đến thời điểm đó. Trong đó diện tích kinh doanh là 1.599ha với 1.366ha cà phê chè, 1.458ha cà phê vối. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến năm 2005 diện tích cà phê sụt giảm chỉ còn 2.466ha, chủ yếu là cà phê chè, chỉ đạt 77% chỉ tiêu quy hoạch (3.200 ha), trong đó diện tích cho sản phẩm là 1.220ha; năng suất quả tươi là 69 tạ/ha, đạt 86% (quy hoạch là 80 tạ/ha); sản lượng quả tươi đạt 8.670 tấn, đạt 77,4% (quy hoạch 11.200 tấn); sản lượng nhân 1.215 tấn, đạt 60,3% (quy hoạch 2.016 tấn).
Từ năm 2006, diện tích cây cà phê của tỉnh tiếp tục sụt giảm mạnh, đến năm 2007 còn lại 1.980ha, năm 2008 giảm xuống còn 1.269ha, diện tích cho sản phẩm là 1.077ha, sản lượng cà phê nhân là 1.516 tấn. Tuy bước sang năm 2009, diện tích cà phê có tăng lên được 1.422ha, năng suất khô đạt cao hơn các năm trước là 15 tạ/ha nhưng cũng không giúp cây cà phê ổn định diện tích và sản lượng.
Cuối năm 2011, diện tích cà phê toàn tỉnh chỉ còn 934ha, trong đó diện tích kinh doanh 723ha, sản lượng đạt 1.032 tấn cà phê nhân, chủ yếu xuất bán theo đường tiểu ngạch.
12. Cây rau
Từ năm 2006-2011, cùng với nhu cầu tăng đều về nguồn cung thực phẩm cho tiêu dùng, diện tích và năng suất rau tăng đều hàng năm. Năm 2006, diện tích rau đạt 19.633ha, với năng suất 106,65 tạ/ha, sản lượng đạt 143.579 tấn. Đến năm 2011, diện tích rau tăng lên 26.920ha với sản lượng 143.579 tấn. Diện tích rau hàng hóa chủ yếu phát triển ở 2 vùng gồm các vùng phụ cận, khu đô thị, khu công nghiệp như TP Vinh, thị xã Cửa Lò... và vùng rau tập trung lớn, có truyền thống ở huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu.
Trong những năm gần đây, nhờ nhập nội và lai tạo một số giống rau quả thực phẩm có năng suất cao, chất lượng tốt như dưa chuột Nhật Bản, cà chua chịu hạn, cà chua bi, ớt ngọt, bắp cải và các giống rau cải khác... đã giúp năng suất rau bình quân toàn tỉnh tăng từ 106,65 ta/ha lên 129,2 tạ/ha.
II. Nhận xét, đánh giá
1. Ưu điểm
Giai đoạn 2006-2011 là giai đoạn kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn nhưng sản xuất nông nghiệp nói chung, ngành trồng trọt nói riêng đã có bước phát triển khá và tăng trưởng ổn định. Sản xuất nông nghiệp luôn vượt kế hoạch đề ra, đảm bảo tự túc vững chắc về lương thực trên địa bàn và tạo ra một khối lượng khá lớn lương thực làm hàng hóa. Cùng với cây lương thực, tiềm năng và thế mạnh nhiều cây trồng khác được phát huy, các cây công nghiệp, cây nguyên liệu như chè, cao su, mía, sắn, dứa được phát triển thành các vùng tập trung và đã sản xuất được một khối lượng nông sản hàng hóa lớn làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu mang lại thu nhập cao. Một số cây trồng khác như cao su, cam đã mất dần vị thế ở những năm trước đây, nay được tổ chức đầu tư phục hồi phát triển để lấy lại giá trị kinh tế và niềm tin cho người sản xuất. Kết quả đó khẳng định sản xuất trồng trọt tỉnh ta đã và đang có bước chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa và cần được ghi nhận trên một số tiến bộ đạt được sau:
+ Đã lựa chọn được những loại nông sản có ưu thế để tổ chức chỉ đạo sản xuất nông sản hàng hóa. Trên cơ sở quy hoạch phát triển nông nghiệp của tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lựa chọn đề xuất UBND tỉnh phê duyệt các đề án quy hoạch, các đề án sản xuất quan trọng như quy hoạch đất sản xuất lúa nước, quy hoạch phát triển các loại cây chè, cao su, sắn nguyên liệu, dứa nguyên liệu và các đề án tổ chức sản xuất lạc, vừng, cam, cà phê... để làm cơ sở cho quản lý đầu tư phát triển. Trên cơ sở đó, các loại nông sản hàng hóa được đầu tư phát triển sản xuất tập trung hơn, có sự hỗ trợ và quản lý của nhà nước.
+ Đẩy mạnh các hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật sản xuất nông sản hàng hóa. Để phát triển sản xuất nông sản hàng hóa, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình khoa học công nghệ sản xuất nông sản hàng hóa; trong đó đầu tư nhiều đề tài, dự án hỗ trợ khoa học trên các lĩnh vực giống cây trồng, các mô hình thâm canh mang lại kết quả cao, làm cơ sở cho đầu tư mở rộng, sản xuất thâm canh; chương trình giống cây trồng và nhiều dự án khuyến nông về giống cây trồng, mô hình thâm canh được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai có hiệu quả.
+ Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất ngày càng được nâng cấp, phục vụ yêu cầu đầu tư phát triển sản xuất.
+ Nông dân được nâng cao kiến thức và tư duy về đầu tư phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa trong cơ chế thị trường.
+ Sự liên kết có hiệu quả của một số doanh nghiệp trong đầu tư sản xuất và thu mua, chế biến tiêu thụ sản phẩm.
2. Tồn tại và hạn chế
Bên cạnh một số kết quả đã được ghi nhận thì sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở Nghệ An còn nhiều tồn tại, đó là tình trạng nông sản được sản xuất ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ chậm không có hiệu quả. Đây là một thực tế phổ biến trên nhiều đối tượng sản phẩm đã xảy ra ở nhiều năm. Tồn tại trên đây được xác định qua một số nguyên nhân sau:
+ Chất lượng nông sản hàng hóa chưa cao, kể cả những nông sản hàng hóa đã có thương hiệu như lạc, vừng, cam tươi...; đầu tư cho thâm canh tăng năng suất mà chưa chú ý đúng mức vấn đề nâng cao chất lượng nông sản để đáp ứng nhu cầu ngày một cao của khách hàng.
+ Năng suất cây trồng thấp, giá thành sản phẩm cao, sức cạnh tranh yếu nên sản phẩm khó tiêu thụ.
+ Việc tổ chức thị trường chưa tốt, chưa phát huy tốt sự liên kết, gắn vai trò của các doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp thương mại với sản xuất.
III. Phương hướng, mục tiêu và giải pháp cơ bản để phát triển sản xuất nông sản hàng hóa thời gian tới
1. Phương hướng phát triển
Tập trung khai thác mọi nguồn lực để đầu tư phát triển ngành trồng trọt theo hướng sản xuất hàng hóa với tốc độ nhanh, phát triển bền vững, tăng cường đầu tư khoa học công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, để thâm canh tăng năng suất, tăng chất lượng để năng cao sức cạnh tranh nông sản hàng của Nghệ An trên thị trường trong và xuất khẩu. Xác định các sản phẩm có thế mạnh để tập trung đầu tư theo phương thức sản xuất hàng hóa tập trung. Tăng cường liên kết, thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm để bảo đảm và tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất.
2. Mục tiêu chính
+ Cây lúa: Ổn định diện tích khoảng 180.000ha. Tiếp tục sử dụng các giống lúa lai có năng suất cao làm chủ lực để đưa năng suất bình quân đạt 52 tạ/ha, sản lượng 950.000 tấn vào năm 2015. Tiếp tục mở rộng diện tích lúa chất lượng cao, phấn đấu đạt 10.000ha vào năm 2015 và 30% diện tích vào năm 2020.
+ Cây ngô: Diện tích khoảng 60.000ha, tập trung thâm canh, chủ yếu sử dụng giống ngô lai đơn, sớm áp dụng giống ngô chuyển gen để nâng cao năng suất, hạn chế sâu bệnh, phấn đấu đạt năng suất bình quân 42-45 tạ/ha, sản lượng 250.000-270.000 tấn.
+ Cây lạc: Ổn định diện tích lạc khoảng 25.000ha, trong đó lạc vụ xuân 21.000ha, vụ thu 1.000ha, vụ đông 3.000ha. Đưa nhanh chóng các giống lạc có năng suất, chất lượng cao, áp dụng công nghệ phủ nilon (17.000ha)… vào sản xuất để nâng cao năng suất lên 25 tạ/ha vào năm 2015 và 30 tạ/ha vào năm 2020, tập trung đầu tư thâm canh ở vùng lạc tại các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Nam Đàn…; mở rộng diện tích ở những nơi có điều kiện, phát triển để trồng lạc vụ thu đông làm giống.
+ Cây sắn: Ổn định diện tích quy hoạch sắn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến là 6.000ha, trong đó diện tích sắn đứng là 4.000ha. Năng suất 300 tạ/ha vào năm 2015 và 400 tạ/ha vào năm 2020, đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy tinh bột sắn Thanh Chương, Yên Thành hoạt động.
+ Cây mía: Ổn định diện tích khoảng 30.000ha vùng nguyên liệu của các công ty mía đường (NAT&L: 23.500ha, Sông Con: 5.500ha, Sông Lam: 1.400ha), tập trung thâm canh đưa năng suất mía lên 700 tạ/ha để cho sản lượng đạt 2000.000 tấn/năm. Chọn bộ giống mía có năng suất, hàm lượng đường cao, phù hợp với yêu cầu rải vụ. Thực hiện nghiêm chu kỳ luân canh 5 năm (1 tơ + 3 gốc + 1 cây họ đậu) để ổn định năng suất và bảo vệ đất.
+ Cây cao su: Từ năm 2011-2015 trồng khoảng 14.000ha để đạt diện tích 22.663ha. Trong đó diện tích kinh doanh 5.860ha, năng suất 140 tạ/ha, sản lượng 8.204 tấn mủ khô. Sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, có chính sách khuyến khích phát triển mạnh cao su tiểu điền.
+ Cây chè: Từ năm 2011-2015, trồng mới khoảng 3.000ha để đạt diện tích 12.000ha, trong đó, diện tích kinh doanh 9.500ha, năng suất 110 tạ/ha, sản lượng trên 100.000 tấn chè búp tươi, chế biến 20.000 tấn chè khô các loại. Phát triển chè công nghiệp tại các huyện: Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, sử dụng các giống chè có năng suất, chất lượng khá như LDP1, LDP2, LD97... Đầu tư phát huy lợi thế vùng Kỳ Sơn để sản xuất chè chất lượng cao.
+ Cây cam, quýt tập trung: Diện tích năm 2015 đạt 2.000ha, trong đó diện tích cho sản phẩm 2.000ha, năng suất đạt 150 tạ/ha để có 30.000 tấn cam quả. Đầu tư phát triển các vung cam có chất lượng cao tại vùng Phủ Quỳ, Tân Kỳ, Con Cuông. Phục tráng cam Xã Đoài, phát triển các giống như cam V2, Quýt PQ1… Tiếp tục nghiên cứu để chọn tạo các giống cam chất lượng, chống chịu bệnh Greening.
+ Rau màu thực phẩm: Ổn định diện tích rau màu thực phẩm khoảng 30.000ha. Tập trung thâm canh, tạo các vùng rau an toàn, có thương hiệu tại thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò và các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nam Đàn… Năng suất rau các loại đạt khoảng 180 tạ/ha và tập trung chỉ đạo sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm (theo hướng GAP). Nghiên cứu ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống rau để xây dựng cơ cấu giống phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu, đảm bảo sản xuất rau bốn mùa phục vụ nhu cầu nội tiêu và sản xuất bán ra các địa phương khác.
3. Để đảm bảo thực hiện thắng lợi, phương hướng và các mục tiêu đã xác định trên đây, cần thực hiện tốt một số giải pháp chính để đầu tư phát triển sản xuất nông sản hàng hóa trong thời gian tới như sau:
+ Rà soát, bổ sung quy hoạch các cây trồng: Trên cơ sở quy hoạch tổng thể về nông nghiệp đã được phê duyệt cần rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển các cây trồng nông sản hàng hóa. Từ đó xác định các mũi trọng tâm để xây dựng các đề án, tổ chức sản xuất, dự án đầu tư để khai thác tiềm năng, lợi thế từng cây.
+ Trong chương trình giống hàng năm đã được phê duyệt (của tỉnh và của Chính phủ) ,ưu tiên cho công tác chọn tạo các giống cây trồng chất lượng cao cho sản xuất nông sản hàng hóa và công tác phục hồi các giống cây trồng truyền thống đã có thương hiệu ở Nghệ An.
+ Tăng cường đầu tư các tiến bộ kỹ thuật về thâm canh, tăng năng suất cây trồng, quản lý tốt chất lượng nông sản theo hướng Việt GAP.
+ Đầu tư xây dựng thương hiệu cho các nông sản hàng hóa của Nghệ An.
+ Tổ chức tốt thị trường tiêu thụ cho các nông sản hàng hóa, phát huy vai trò của các doanh nghiệp trong đầu tư sản xuất, thu mua chế biến sản phẩm./. |